Du lịch Quy Nhơn là phải đến tháp Bánh Ít là một trong bảy cụm Tháp trên đất Bình Ðịnh, một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất, có giá trị văn hóa độc đáo trong kiến trúc của Việt Nam, được tạo lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII. Đây là một trong số những di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu nhất hiện tồn trên đất Bình Định. Hiện nay, những ngày nghỉ, ngày hè, tại di tích, thanh niên, học sinh, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã đến đây du ngoạn, nghiên cứu, chiêm ngưỡng một vẻ đẹp vĩnh hằng của di tích tháp cổ nghìn năm này. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh.
Tháp Bánh Ít thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa 2 nhánh sông Côn là Tân An và Cầu Gành, bên cạnh quốc lộ 1A, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km .Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít. Tháp chính: là tháp lớn và cao nhất trong 4 tháp hiện còn ở trong di tích này. Giống như bao tháp Chàm khác, tháp chính này cũng được tạo bởi 4 cửa trong đó có 1 cửa chính và 3 cửa giả, cửa chính quay về hướng Đông. Cửa chính, về kiến trúc cũng giống như cửa giả nhưng cửa chính được xây lồi hẳn ra so với tường là 2m, cửa được tạc hình mũi giáo cao nhọn, trang trí bên ngoài về phía trên là các khám thờ, trên các khám thờ là những hình tượng mặt Kala đang trong tư thế ngoạm rắn Naga. Quanh diềm mái cửa chính là những đường chạm khắc dật cấp hợp lý và dưới cùng được tạo bởi một diềm phù điêu bao quanh với các hình tượng mình người đầu voi, khỉ trong tư thế đang múa rất sinh động, càng đi lên phía trên là những đường chìm nổi trong một bố cục hợp lý. Cấu trúc của tháp: gồm mặt thân chính và 3 tầng thu nhỏ về phía trên, tại các góc của tháp ở mỗi tầng đều có một tháp góc thu nhỏ trang trí… Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá. Gần tháp Bánh Ít là tu viện Nguyên Thiều với phật đài lộ thiên uy nghi trên một đỉnh đồi, nhìn xuống giải nước trong xanh của dòng Tân An thơ mộng.
Đi về phía Đông của tháp chính khoảng 30m là một tháp cổng cao khoảng chừng 12m, tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh 7m, chân cổng tháp đổ vỡ hoàn toàn, cũng như các tháp khác trong di tích này. Tháp cổng này chỉ là một hình ảnh thu nhỏ của tháp chính, được thiết kế khá vững chãi và trang trọng quay về hướng Nam của quần thể.
Về hướng Đông – Nam là tháp Bia có kích thước và cấu trúc tương tự như ngôi tháp Cổng phía Đông nhưng lại mang đến người xem cảm giác vui hơn và ấm áp hơn so với tháp Cổng; phía đỉnh tháp được thu nhỏ và được giật lại thành tầng, mỗi tầng đều có một hàng cột thể hiện theo lối thắt giữa, phình 2 đầu, trông xa như những quả bầu nậm nằm sát nhau trên các tầng. Với 4 tháp hiện còn, mỗi ngôi tháp ở đây đều mang trong mình mỗi dáng vẻ khác nhau về hình dáng cũng như kỹ thuật kiến trúc.
Tháp Bia có kích thước và cấu trúc tương tự như ngôi tháp Cổng phía Đông nhưng lại mang đến người xem cảm giác vui hơn và ấm áp hơn
Tháp Bia có kích thước và cấu trúc tương tự như ngôi tháp Cổng nhưng lại mang đến người xem cảm giác vui hơn và ấm áp hơn
Đứng ở góc nhìn kỹ thuật và mỹ thuật kiến trúc khu tháp Bánh Ít là những kiến trúc Chăm đầu tiên của phong cách kiến trúc Chăm Bình Định. Vì là kiến trúc đột phá, báo hiệu cho một phong cách kiến trúc mới nên ở Bánh Ít ta dễ dàng bắt gặp những vẻ đẹp của hai xu thế: nhịp nhàng, trang nhã và khỏe khoắn, hoành tráng của kiến trúc Chăm, hai xu thế đó trong di tích này được kết hợp một cách hài hòa và lý tưởng; tháp Bánh Ít là một trong những khu tháp có niên đại sớm ở Bình Định và cũng là di tích hiện nay còn nhiều tháp nhất sót lại ở vùng . Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chăm còn lại thì tháp Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.