Du lịch Làng Rau Thuận Nghĩa – Tây Sơn tại Quy Nhơn

Du lịch Làng Rau Tây Sơn Thuận Nghĩa tại Quy Nhơn đang dần trở thành một điểm đến độc lập chứ không phải là một điểm cộng thêm cho những người mua “tua” lên Tây Sơn hành hương về thăm nơi sinh ra người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ. Từ thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), đi về hướng Bảo tàng Quang Trung, rẽ phải là con đường nhỏ dẫn bạn tới Khối văn hóa Thuận Nghĩa. Đây chính là ngôi làng đặc biệt mà tôi muốn giới thiệu với bạn trong chuyến hành trình hôm nay.

Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) là làng quê mộc mạc, yên bình, con người nơi đây hồn hậu, chất phác; tất cả đủ để bạn rì phờ rết (refresh – làm tươi) tâm hồn mình!

Mộc mạc nét quê của làng rau Thuận Nghĩa Tây Sơn

Bình Định; Làng rau Thuận Nghĩa mở hướng du lịch

Hiếm có vùng đất nào như  Thuận Nghĩa, dù đã là một phần của phố thị nhiều năm rồi, nhưng vẫn giữ được “nét quê” vốn có trong từng nếp nhà, trên những con đường và trong cả sinh hoạt thường nhật. Có lẽ “nét quê” này đã tạo cho một Thuận Nghĩa nguồn dưỡng chất rất riêng, khiến cả những người khách lạ dẫu đến đây lần đầu cũng có cảm giác như được trở về nhà, thân quen ấm áp.

Một đề nghị nhỏ, từ cổng chào đầu làng, bạn nên bước xuống và đi bộ vào làng, để có thể ngắm nhìn rõ hơn những nét đẹp của thời gian lưu lại ở vùng đất này, đó là kiến trúc của ngôi nhà lá mái kiểu Bình Định xưa, hay những chiếc cổng nhỏ dẫn vào nhà được chăm chút, tỉa tót, những lối đi dệt đầy hoa, hàng rào cây xanh uốn lượn, những mảnh vườn nhỏ xinh xen giữa những luống rau xanh là điểm xuyến vài khóm hoa vàng đỏ tươi tắn…

Đã đến làng rau Thuận Nghĩa Tây Sơn , bạn nên khám phá những ngôi nhà kiểu cũ ở đây, mà tiêu biểu là 4 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi của dòng họ Quách – tộc họ lâu đời nhất của làng, tộc họ có công khai khẩn, lập làng Thuận Nghĩa ngày nay.

Ta hãy biết một chút về lịch sử Thuận Nghĩa, ông Quách Hội Đồng (đời thứ 4 của dòng họ Quách từ An Thái (Nhơn Phúc, TX An Nhơn) lên Thuận Nghĩa mở đất lập làng. Trong khoảng 9 năm (1908 – 1917), dòng họ Quách xây dựng 4 ngôi nhà gỗ kiểu lá mái. Đến nay dòng họ Quách giữ nguyên 4 căn nhà này và đó là 4 trong số 40 ngôi nhà cổ còn lại trên đất Tây Sơn. Trong số đó, căn của chi Quách Trọng Đường (1917) được phía Nhật Bản lựa chọn, khảo sát đưa vào danh sách bảo tồn. Bạn không cần dù chỉ là một mẩu kiến thức về kiến trúc, phong thủy, về trang trí sân vườn… chỉ cần bạn đứng ở một trong những ngôi nhà cổ ở đây bạn sẽ thấy phục lăn người xưa – nhà gì đâu, cảnh quan gì đâu mà dễ chịu vậy! Thật vậy và chính xác đấy, người xưa khi dựng lên ngôi nhà, điểm then chốt và quyết định là làm sao để con người sống trong đó được thoải mái, tự nhiên thoải mái không cần một cố gắng nào. Bạn có thấy tổ tiên ta kết hợp nhiều kiến thức, hiểu biết nhuần nhị không!

Nếu đến đây vào dịp mùng 5.5 (Âm lịch), bạn sẽ thấy người dân Thuận Nghĩa tưởng nhớ người lập đất, lập làng bằng những sản vật quê như rau nhà, bánh trái dâng lên miếu thờ đầu làng, ngôi miếu thờ bà tứ tổ họ Quách – Lê Thị Duệ (vợ ông Quách Hội Đồng), người đã dạy người dân trong làng trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.

Ngoài nhà cổ họ Quách, từ đường họ Nguyễn, họ Trần… cũng là nơi mang dấu ấn kiến trúc nhà mái lá của Bình Định xưa. Rất đáng để bạn ghé lại và dừng chân.

Lối vào Tịnh Nương Đương của họ Quách – một trong những ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi ở Thuận Nghĩa

Như về nhà mình khi ở làng rau Thuận Nghĩa Tây Sơn

Bình Định; Làng rau Thuận Nghĩa mở hướng du lịch

Thế nhưng nhắc đến làng rau Thuận Nghĩa Tây Sơn thú vị thay lại không phải là nhắc đến nhà vườn, nhà lá mái hay bất cứ thứ gì khác mà phải là rau và hoa. Ở đây, trong bất cứ ngôi nhà nào, cũng đều có vườn và trong vườn nhất định phải có rau và hoa. Ngồi ở hiên nhà, phóng mắt ra vườn là những mảng xanh nối nhau, từ nhà này đến nhà nọ. Nếu chân đi đã mỏi, hãy gõ cửa bất kỳ một ngôi nhà trong xóm, xin dừng chân, rửa mặt và mượn một cái ghế nghỉ chân. Bạn cứ mạnh dạn đề nghị, thậm chí chủ nhà còn hân hoan dừng việc để tiếp chuyện bạn nữa. Và biết đâu, chuyện tiếp chuyện chủ nhà sẽ mời bạn một bữa cơm rau dưa, cà muối, cá sông. Ngon hết ý nhé, tôi có thể nói vậy bởi tôi là kẻ may mắn đã “mạnh dạn đề nghị”.

Đã đến làng rau Thuận Nghĩa Tây Sơn, hãy thử một lần trải nghiệm nhịp sống vùng quê, khi “3 cùng”, cùng ăn – cùng ở – cùng làm với người dân Thuận Nghĩa trên những cánh đồng rau VietGAP. Bạn sẽ theo các bà, các mẹ ra ruộng rau, chong đèn cắt rau đêm. Cắt rau đêm để những mớ rau tươi mới, phủ sương theo chân các mẹ, các chị ra chợ sớm.

Đàn ông Thuận Nghĩa rất đảm đang, các bạn du khách nữ xin nhớ cho điều này, thời gian vào bếp nhiều người lớn hơn của mẹ, chị, em gái của họ đấy. Lẽ đơn giản, những công việc như cắt, hái, sơ chế, đóng gói rau… đều cần bàn tay mềm mại của phụ nữ nhiều hơn. Bạn cũng nên trải nghiệm công đoạn sơ chế, đóng gói tại nhà sơ chế rau an toàn VietGAP Thuận Nghĩa.

Xong một ngày ở trên đồng, ăn bữa cơm chiều muộn với chủ nhà, kê chiếc bàn nhỏ giữa sân, pha bình trà ngon, tôi, bạn và mọi người sẽ được nghe chuyện xưa về đất, về người Thuận Nghĩa, trong làn gió mát của sông Côn, trong đêm trăng thanh bình của làng quê. Liệu bạn còn muốn gì thêm nữa không?

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *